Theo báo cáo phân tích năm 2016 của Forrester, trong số những doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có 11% thành công trong quá trình chuyển đổi số.

Đứng trên vai trò một nhà quản lý doanh nghiệp, đã bao giờ bạn tự hỏi: Điều gì khiến một vài doanh nghiệp số hóa thành công và trở nên thịnh vượng trong khi rất nhiều doanh nghiệp khác “hụt hơi” trong cuộc đua chuyển đổi số?

Bài viết này sẽ cung cấp những kiến thức cốt yếu mà bất kỳ nhà quản lý nào cũng cần hiểu rõ trước khi quyết định đầu tư công sức, tiền bạc vào doanh nghiệp của mình: Từ khái niệm, những hiểu lầm cần tránh, đến các bước chuẩn bị cho công cuộc chuyển đổi số toàn diện.

Cho dù bạn đang có ý định chuyển đổi số hay đã đi được một chặng đường, bài viết này sẽ cho thấy chính xác bạn nên làm gì tiếp theo để đạt mục tiêu nhanh hơn.

Trước tiên, ta cần hiểu theo cách đơn giản

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là khái niệm ra đời trong thời đại internet bùng nổ, đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, mô tả việc ứng dụng công nghệ (digitalize) vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện (transformation) cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.

Tuy vậy, những hiểu lầm căn bản trong chuyển đổi số có thể làm sụp đổ hoàn toàn những cố gắng của doanh nghiệp. Sau đây là 4 sai lầm phổ biến nhất:

LÀM NHANH, LÀM NHIỀU KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI HIỆU QUẢ

Không phải tất cả mọi vấn đề của doanh nghiệp đều cần phải được số hóa. Tâm lý tham lam, nóng vội muốn áp dụng nhiều xu hướng công nghệ cùng một lúc thường là cách nhanh nhất dẫn đến thất bại. Bạn sẽ dễ bị sa đà, không có đủ nguồn lực và thờigian để giải quyết những vấn đề cốt lõi nhất.

“ACT QUICKLY, THINK SLOWLY”

Trong thế giới công nghệ mà mọi thứ thay đổi quá gấp gáp như hiện nay. Bạn cần một cái đầu lạnh để có thể bình tĩnh tìm ra những khó khăn của công ty, thấu hiểu mô hình kinh doanh, bối cảnh cạnh tranh cũng như tâm lý người tiêu dùng trước khi cân nhắc việc áp dụng công nghệ.

CHUYỂN ĐỔI SỐ SẼ THÀNH CÔNG NGAY KHI BẠN HOÀN TẤT VIỆC ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ

Công nghệ rốt cuộc cũng chỉ là một thứ công cụ, bản thân việc áp dụng công nghệ chẳng thể đảm bảo được kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Sự thành công của chuyển đổi số phải nằm ở trong tư duy, trong cách nhân viên tiếp cận và giải quyết vấn đề hàng ngày, hàng giờ. Một công ty mà nhân viên không có tư duy số hóa, văn hóa không nuôi dưỡng sự đổi mới, thì đừng mong có một công nghệ nào có thể cứu sống được doanh nghiệp.

Chuyển đổi số không chỉ là hoạt động nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng năng suất, tạo lợi nhuận mà hơn hết, nó phải là nền tảng văn hóa của một doanh nghiệp. Và văn hóa đó, phải được xây dựng và thực hành trong một chiến lược lâu dài và kiên định.

KHÁCH HÀNG (VẪN) LÀ THƯỢNG ĐẾ

Lẽ tất nhiên, khách hàng vẫn luôn là mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp và là động lực chính trong công cuộc chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thay đổi từng ngày từng giờ như hiện nay, ngay chính khách hàng cũng không rõ mình đang thực sự muốn gì. Khi bạn coi khách hàng là trọng tâm duy nhất và sẵn sàng đáp ứng tất cả yêu cầu của họ, bạn có xu hướng đánh mất đi triết lý và bản sắc thương hiệu của mình.

Thay vì coi khách hàng là thượng đế, hãy biến họ thành một người bạn, người thân trong gia đình, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi về mặt tổ chức và văn hóa.

CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ SÂN CHƠI RIÊNG CỦA CÁC ÔNG LỚN TRONG LÀNG CÔNG NGHỆ

Chúng ta chẳng còn xa lạ gì với những cái tên xuất hiện dày đặc trên trên các phương tiện truyền thông trong thời gian gần đây: Uber và Grab thách thức ngành taxi truyền thống. Airbnb thách thức khái niệm về khách sạn và lưu trú. Netflix thách thức các kênh giải trí truyền thống. Spotify tái định nghĩa cách chúng ta tiếp cận âm nhạc… Những câu chuyện này đã và đang tạo ra hiểu lầm cho nhiều doanh nghiệp truyền thống tại Việt Nam khi cho rằng:

Chuyển đối số trước nay vẫn được coi là sân chơi chính cho các unicorn và startup công nghệ cao, trong khi chính những doanh nghiệp truyền thống mới là những trụ cột nuôi dưỡng nền kinh tế.

Các doanh nghiệp truyền thống bị giới hạn bởi sức ì do chính hệ thống, cơ chế, quy trình và bộ máy tổ chức tạo ra. Vì thế, họ dần mất đi khả năng thích ứng nhanh, khả năng linh hoạt, và tinh thần sáng tạo. Nhưng chuyển đổi số là sân chơi công bằng cho tất cả mọi doanh nghiệp mà ở đó, bất kì ai đủ nhanh nhạy cũng có thể tìm được miếng bánh cho riêng mình. Nếu không linh hoạt bắt kịp với những đổi thay mang tính chiến lược, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng bị đào thải, như cái cách mà thương hiệu đồ chơi danh giá Toys R Us đã ra đi vào đầu năm nay.

5 TRỤ CỘT CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ GIẢI MÃ CÔNG THỨC THÀNH CÔNG

Vậy làm sao để biết kế hoạch của một chiến dịch chuyển đổi số đã đủ vững chắc hay chưa?
Để trả lời được câu hỏi này, ta hãy tìm hiểu 5 trụ cột quan trọng cấu thành nên quá trình chuyển đổi số, gồm:

DIGITAL TRANSFORMATION

Một quy trình chuyển đổi số thành công phải là sự tổng hòa của cả 5 yếu tố này. Nếu thiếu đi một trong các yếu tố, doanh nghiệp của bạn hẳn đang phung phí nguồn lực.

THIẾT LẬP CHIẾN LƯỢC & VĂN HÓA DÀI HẠN

Digital Business Strategy & Culture

Với doanh nghiệp, nếu chiến lược được ví như Hạt giống thì văn hóa sẽ được xem là Đất. Nếu “Đất” không tốt thì dù có cố gắng cách mấy, “Hạt” cũng không thể nảy mầm và lớn mạnh được, và ngược lại. Tuy nhiên, việc kiến tạo nên một “mảnh đất tốt” luôn là một bài toán đau đầu của các doanh nghiệp.
Theo một khảo sát của trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu Katzenbach đối với 2.219 nhà lãnh đạo trên khắp thế giới. Kết quả cho thấy:

86 %

86% đồng ý rằng văn hóa kém sẽ tác động tiêu cực đến tổ chức và dẫn tới năng suất thấp.

51 %

51% tin rằng doanh nghiệp của họ cần phải có một cuộc “Đại tu” về văn hóa tổ chức.

48 %

48% nhà lãnh đạo khẳng định họ chưa được trang bị đủ công cụ và phương pháp để tạo ra những thay đổi về văn hóa mang tính bền vững và lâu dài.

Ở Việt Nam, câu chuyện về chiến lược và văn hoá doanh nghiệp vẫn luôn là một đề tài hết sức nóng bỏng. Dễ thấy nhất là những trăn trở của rất nhiều doanh nghiệp như: “Tại sao đã làm đủ mọi cách, đã đào tạo đủ các thứ mà thái độ làm việc của nhân viên vẫn chưa tốt và hiệu quả làm việc vẫn chưa cao?”, “Làm sao để nhân viên nhiệt huyết hơn, gắn bó hơn?”, “Làm thế nào để hạn chế những mâu thuẫn?”,….

Vậy, đâu là lời giải cho bài toán này?

Hãy cùng xem xét một vài bước cơ bản để xây dựng lên một chiến lược văn hoá hiệu quả.

GẮN KẾT VÀ TỐI ƯU HÓA TRẢI NGHIỆM KHÁCH HÀNG LÀ YẾU TỐ SỐNG CÒN

Customer Engagement

86% người mua sẽ chi trả nhiều hơn cho 1 trải nghiệm khách hàng tốt, nhưng chỉ 1% khách hàng cảm thấy rằng các nhà cung cấp đáp ứng được sự kỳ vọng của họ.

Đến năm 2020, trải nghiệm khách hàng sẽ không đơn thuần chỉ là phân biệt tên gọi hay giá cả, cũng không đơn thuần chỉ là trải nghiệm online hay offline tại cửa hàng, mà là tổng hòa tất cả những tương tác với thương hiệu. Điều này có nghĩa, tất cả những thứ bạn bán, cách bạn bán, sẽ đều trở thành hàng hóa.

Giải bài toán tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng:

Giống như việc thưởng thức một chiếc bánh ngọt, trải nghiệm khách hàng cần có sự hòa quyện của nhiều lớp (brand layering) khác nhau: Một lớp dịch vụ khách hàng hoàn hảo, một lớp tương tác trực tiếp với sản phẩm tại cửa hàng và một lớp quá trình thanh toán trực tuyến tối ưu.

Việc đầu tiên doanh nghiệp cần phải làm là lập bản đồ hành trình khách hàng, gắn kết những trải nghiệm này thành một chuỗi liên tục trong mọi giai đoạn trước, trong và sau khi mua hàng, từ đó ta có thể ghi lại mọi điểm tiếp xúc (contact point) giữa khách hàng tiềm năng với doanh nghiệp.

Việc tiếp theo là bạn sẽ phải định ra những chương trình tại mỗi điểm tiếp xúc để chủ động mang lại cho khách hàng tiềm năng những cảm xúc tích cực khiến họ muốn bước tiếp trong hành trình khách hàng. Thực tế, mỗi một doanh nghiệp sẽ có những hành trình khách hàng khác nhau. Và mỗi khách hàng lại có một điểm kết thúc hành trình khác nhau tuỳ thuộc vào việc họ có hài lòng với doanh nghiệp hay không.

7 GIAI ĐOẠN TRẢI NGHIỆM KHÁCH HÀNG:

Trải nghiệm thương hiệu nhiều lớp là một bước đi dài hơi trong hành trình kết nối thương hiệu với khách hàng. Khi thực hiện một cách chính xác, trải nghiệm thương hiệu nhiều lớp làm tăng sự kỳ vọng của khách hàng và mở cánh cửa để thu hút thêm nhiều khách hàng mới.

SỰ QUYẾT ĐOÁN TRONG VIỆC ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ

Technology

Với 2 tỷ người sử dụng internet băng thông cao và 51.9% dân số thế giới sở hữu điện thoại thông minh, thế giới giờ đây không chỉ “phẳng”, mà còn “tức thì”, tất cả nhờ có công nghệ.

Everything Tech – Xưa thì Kodak, nay là instagram. Xưa là Borders Books, nay là Amazon. Xưa là khách sạn, nay là Airbnb. Dù sáng tạo ra sản phẩm hay dịch vụ gì cũng phải áp dụng công nghệ. Sự bắt đầu của thời kỳ công nghệ với luật chơi mới đã đặt lại định nghĩa về nhu cầu và thị trường cho mọi ngành nghề.

Chỉ trong tích tắc, nền tảng công nghệ đã biến kinh doanh trở thành một sân chơi bình đẳng, nơi một công ty nhỏ có thể đánh bại một đế chế doanh nghiệp hùng mạnh với tuổi đời hàng trăm năm. Nếu năm 1930, vòng đời của một tập đoàn lớn trên bảng xếp hạng S&P500 là 65 năm thì hiện nay, tuổi thọ của họ đã giảm đi 80%, trung bình chỉ còn 15 năm.

Cứ 10 công ty có tên trong danh sách Fortune 500 hiện nay, sẽ có 4 công ty biến mất trong vòng 10 năm tới, nhường chỗ cho các công ty mới, biết tận dụng thế mạnh của công nghệ để bứt phá.

Cứ 10 công ty có tên trong danh sách Fortune 500 hiện nay, sẽ có 4 công ty biến mất trong vòng 10 năm tới, nhường chỗ cho các công ty mới, biết tận dụng thế mạnh của công nghệ để bứt phá.

QUẢN LÝ VÀ PHÂN TÍCH DỮ LIỆU

Data & Analytics

Sự phát triển của công nghệ đã đặt ra những thách thức chưa từng có về lưu trữ, phân tích và sử dụng dữ liệu. Doanh nghiệp giờ đây cần đến những “Big data Analyst” để có khả năng chuyển đổi dữ liệu thành tài sản vốn, biến những con số vô tri thành con số “biết nói”.

Software AG, Oracle, IBM, Microsoft, SAP, EMC, HP và Dell đã chi hơn 15 tỉ USD cho các công ty chuyên về quản lí và phân tích dữ liệu.

Việc phân tích Big Data và những dữ liệu dung lượng lớn đã giúp các tổ chức kiếm được 10,66$ cho mỗi 1$ chi phí phân tích, tức là gấp 10 lần.

Kể từ năm 2010 đến nay, ngành công nghiệp Big Data có giá trị hơn 100 tỉ USD và đang tăng nhanh với tốc độ 10% mỗi năm, nhanh gấp đôi so với tổng ngành phần mềm nói chung.

Vấn đề thật sự không nằm ở việc bạn thu thập dữ liệu, thay vào đó, là bạn dùng dữ liệu để làm gì. Chỉ cần doanh nghiệp biết khai thác một cách có hiệu quả thì Big Data sẽ trở thành một khối tài sản vô giá, từ đó giúp cắt giảm chi phí, tăng thời gian phát triển và tối ưu hóa sản phẩm, đồng thời hỗ trợ con người đưa ra những quyết định đúng và hợp lý hơn.

KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN VÀ CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CỦA VIỆC RÒ RỈ DỮ LIỆU

Đầu năm 2018, Facebook trở thành tâm điểm của sự chỉ trích khi liên tục dính vào những scandal lớn như nạn thông tin giả mạo tràn lan, các nội dung tuyên truyền khủng bố và đỉnh điểm là vụ bê bối để lộ dữ liệu của 50 triệu người dùng, liên quan đến công ty Cambridge Analytica.

Vụ việc ầm ĩ suốt nhiều tháng liền khiến lòng tin người dùng giảm sút, giá cổ phiếu của công ty lao dốc không phanh, giảm gần 24% chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ (ngày 26/7), 148 tỷ USD giá trị vốn hoá bị thổi bay – một cơn ác mộng chưa từng có trong lịch sử công nghệ.

Ngay chính bản thân Mark Zuckerberg cũng mất trắng 17 tỉ USD và phải ra điều trần trước quốc hội. Không những vậy, Zuckerberg còn bị các nhà đầu tư “tẩy chay”, gây sức ép buộc phải rời khỏi Facebook.

Vụ bê bối này đặt ra hàng loạt câu hỏi về sự minh bạch trong việc khai thác dữ liệu, cũng như trong cách kinh doanh dữ liệu của Facebook nói riêng và các công ty công nghệ nói chung. Nếu không được quản lý một cách đúng đắn, dữ liệu sẽ trở thành con dao hai lưỡi đẩy các doanh nghiệp lún sâu vào khủng hoảng và đánh mất lòng tin của khách hàng.

TẠM KẾT

Hành trình chuyển đổi số là một chuyến đi dài với vô vàn những thách thức xảy ra, khó có thể đong đếm ra hết trong một bài viết. Khi cả thế giới đã nói quá nhiều về chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần quay lại với những điều căn bản, nhờ đó có thể mạnh dạn bước những bước đi đầu tiên, trên hành trình chinh phục trái tim người tiêu dùng.

Nguồn: Digitaltransformation

đã đặt mua phần mềm

showroom
All in one
DMCA.com Protection Status